Friday, November 30, 2007

Những chuyện chưa ai nói


Biến Động Miền Trung
Liên Thành
Phần 1
L.T.S : Cuộc "cách mạng" 1-11-63 thành công, làm xáo trộn tình hình chính trị, đồng thời đưa đến những hệ lụy không hay cho nhân dân miền Nam, mà khởi đầu là biến động miền Trung - Sự kiện này đã làm lộ rõ những tham vọng, những mưu đồ bất chính của những con người đội lốt nhà tu, những tướng lãnh, chính trị gia hoạt đầu - Những người này đã cố ý hoặc vô tình bị cán bộ cộng sản nằm vùng sai khiến, làm tay sai cho chúng phá hoại, để rồi sau đó chúng cưỡng chiếm miền Nam .
Có những sự thật mà chưa được ai nói đến, các nhân chứng trong giai đoạn lịch sử này mỗi lúc một già, mỗi ngày một qua đi, đem theo những bí mật về bên kia thế giới, mai đây các thế hệ sau lấy đâu tra cứu .
Chúng tôi được tác giả Liên Thành, một người sinh ra và lớn lên rồi phục vụ ở cố đô Huế, ông là cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên - Huế, đã nắm vững tình hình từ sau ngày 1-11-63 vì khi đó ông đã phục vụ, đã tham dự vào những sự kiện lịch sử này, nay kể lại cho mọi người cùng nghe .
Ban Biên Tập cũng minh xác: chúng tôi không hề có ý đả phá bất cứ tôn giáo nào, cụ thể là Phật Giáo. Xin đừng hiểu lầm vì nhiều nhân sự trong loạt bài này là những đảng viên cộng sản, trà trộn vào hàng ngũ chư tăng, đội lốt nhà tu để hoạt động cho mục đích riêng của họ. Hơn nữa ông Liên Thành là một Phật tử thuần thành. Gia đình ông có truyền thống đạo đức lâu đời, chú và anh ruột của ông là hai vị thượng Toạ, đức cao, vọng trọng tại Huế, nên ông cũng rất cẩn trọng về việc này và không muốn bị đánh giá không đúng về những điều ông công bố.
TS/BĐQ

Miền Trung và Thừa Thiên-Huế sau ngày 1-11-1963
Tại miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên, Huế, đại đa số quần chúng theo đạo Phật, có thể đến 2/3 dân số. Trong cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền Đệ I Cộng Hòa và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng hai bào đệ của Tổng Thống là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, ngoài Hoa Kỳ và một số Tướng Lãnh VNCH, Phật Giáo Ấn Quang là một trong những lực lượng chủ lực của cuộc đảo chánh này. Vì vậy sau khi thành công, thế lực và ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Quang trong chính quyền và quần chúng rất mạnh.
Thành phố Huế có 3 quận đó là quận 1,2,3. (hay Hữu Ngạn, Tả Ngạn và quận Thành Nội). Tỉnh Thừa Thiên có 10 quận từ bắc giáp ranh với tỉnh Quảng Trị là Phong Điền,Quảng Điền, Hương Điền, Hương Trà, Phía nam thành phố Huế là Hương Thủy, Phú Vang, Vinh Lộc, Phú Lộc, Phú Thứ, phía tây là Quận lỵ Nam Hòa. Tổng cộng có 73 Xã.
Dựa theo hệ thống tổ chức địa dư và hành chánh của Chính Phủ VNCH, Phật Giáo Ấn Quang có 73 Khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Xã, 13 Khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Quận, và Tỉnh hội Phật Giáo. Ngoài ra, trong chính quyền, Phật Giáo Ấn Quang còn có các tổ chức ngoại vi: Công Chức Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Sư Đoàn I thì có Quân Nhân Phật Tử (Chiến Đoàn Nguyễn đại Thức). Cảnh Sát Quốc Gia thì có Cảnh Sát Phật Tử, đặc biệt hơn nữa là các bà tiểu thương Phật Tử chợ Đông Ba.
Lãnh đạo Phật giáo miền Trung và Thừa Thiên Huế là thầy Thích Đôn Hậu, trụ trì Chùa Linh Mụ, với chức vụ Chánh Đại Diện Phật Giáo Ấn Quang Miền Vạn Hạnh. Thích Đôn Hậu là cơ sở nòng cốt và lá bài tối quan trọng của Cộng Sản tại miền Trung, bắt rễ sâu trong Phật Giáo. Tên cán bộ cộng sản điều khiển Thích Đôn Hậu trong bóng tối chính là Hoàng Kim Loan.
Mậu Thân 1968, trong những ngày đầu chiếm Huế, Hà Nội tưởng đã thắng nên cho Thầy tu Thích Đôn Hậu xuất đầu lộ diện trong lực lượng ngoại vi của Cộng Sản: Lực Lượng Liên Minh Dân Chủ Dân Tộc Hòa Bình. Những ngày kế tiếp khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Cảnh Sát Quốc Gia và lực lượng Hoa kỳ phản công mạnh tái chiếm Huế, Hoàng Kim Loan đã phái cán bộ hộ tống Thích Đôn Hậu qua ngã Chợ Thông, Văn Thánh lên mật khu và từ đó đi ra Bắc. Tại Hà Nội, Đôn Hậu cùng với các tên Cộng Sản nằm vùng tại Huế trước 1966 như Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm v.v.. theo lệnh Trung Ương Đảng thành lập phái đoàn Đại Diện Trí Thức và Tôn Giáo Miền Nam đi Trung Cộng, Tây Tạng, truyên truyền cho Hà Nội. Đến 1975, y trở lại trụ trì tại Chùa Linh Mụ.
Nhân vật thứ hai đầy quyền uy không những đối với Phật Giáo đồ miền Trung mà toàn cả Phật Giáo đồ miền Nam Việt Nam đó là Thích Trí Quang - Ông này tên thật là Phạm Văn Bồng, quê quán làng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cùng quê với Tổng Thống Ngô Dình Diệm. Xuất gia từ năm 14 tuổi, trước 1955 y đã trú ngụ tại Chùa Từ Đàm. Chùa từ Đàm nằm về phía tây thành phố Huế cạnh dốc Nam Giao và dốc Bến Ngự, sát bên nhà thờ cụ Phan Bội Châu. Trụ trì chùa Từ Đàm là Thích Thiện Siêu cũng là cơ sở của Hoàng Kim Loan. Sau năm 1975, Thiện Siêu được Hà Nội cho làm Dân Biểu trong Quốc Hội Của chúng. Theo hồ sơ của sở Liêm Phóng tức Mật Thám Pháp còn lưu tại ban Văn Khố Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên, Huế và sau nầy tin tức thẩm vấn cán bộ Việt Cộng được cập nhật thêm, thì Thích Trí Quang là đảng viên Côïng Sản. Thích Trí Quang gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam vào 1949 tại mật khu Lương Miêu, Dương Hòa. Lương Miêu. Dương Hòa là một làng nhỏ nằm về phía tây lăng vua Gia Long cách làng Đình Môn khảng 30 cây số đường bộ. Người kết nạp và chủ tọa buổi lễ gia nhập đảng cho Thích trí Quang là Tố Hữu, đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mùa thu năm 2000 tại Hà Nội, nhân nói đến các nhân vật chính trị tại miền Nam trước 1975, chính Tố Hữu xác nhận y là người kết nạp Phạm Văn Bồng tức Thích Trí Quang vào đảng Cộng Sản.
Tên Việt Côïng thứ 3 đội lốt thầy tu, tối nguy hiểm, đó là Thích Chánh Trực, đệ tử ruột, truyền nhân của Thích Trí Quang. Thích Chánh Trực tu tại Chùa Tường Vân, nằm giữa chùa Từ Đàm và Đàn Nam Giao. Chùa Tường Vân là nơi tu hành của Ngài Thích Tịnh Khiết Giáo Chủ Phật Giáo V. N. Thích Chánh Trực hoạt động bề nổi, mọi cuộc biểu tình, tuyệt thực, lên đường xuống đường, đều có mặt Thích Chánh Trực. Trực là cơ sở Tôn Giáo Vận của Hoàng Kim Loan đã từng đưa Hoàng Kim Loan vào ở với y tại Chùa Tường Vân trong hơn 1 năm. Tên này dáng dấp cao to, mắt trắng môi thâm, nhìn thẳng vào hắn thấy rõ 3 chữ: Tham, Sân, Si, hiện trên nét mặt, khuôn mặt của kẻ lưu manh gian ác. Hắn đã lén lút có một đứa con trai với một nữ tín đồ, chuyện này Hoàng Kim Loan biết rõ hơn ai hết.
Từ sau ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, thế lực, quyền lực tột đỉnh của Phật Giáo Ấn Quang tại miền Trung và Thừa Thiên-Huế, nằm gọn trong tay của 3 tên Cộng Sản: Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Chánh Trực. Phía sau hậu trường là Hoàng Kim Loan cán bộ Điệp báo phụ trách Dân Vận, Trí Vận và Tôn Giáo Vận sắp xếp và giựt giây. Chùa Từ Đàm trở thành Dinh Độc Lập tại miền Trung, Trung Tâm Quyền Lực. Mọi bổ nhiệm các cấp chỉ huy Hành Chánh và Quân sự từ Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng v.v... tại 6 Tỉnh miền Trung và đặc biệt là Thừa thiên - Huế, đều phải có sự chấp thuận của Chùa Từ Đàm, của Thầy. Mọi cuộc biểu tình, lên đường, xuống đường, tuyệt thực, tự thiêu chống đối chính quyền Trung Ương Sài Gòn, đều xuất phát từ chùa Từ Đàm, từ Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu.
Trong khi đó thì tên điệp báo Việt Cộng Hoàng Kim Loan dựa vào thế lực của Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Chánh Trực, tổ chức, kết nạp và gài nội tuyến vào hàng ngũ Phật Giáo. Từ khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Xã, Quận, Tỉnh Hội, vào Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế, vào Tổng Hội học sinh tại các trường Trung Học, vào các nhóm tiểu thương chợ Đông Ba, Bến Ngự, và vào cơ quan Quân Sự, Hành Chánh của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Thừa Thiên, Huế. Ngay cả một vài Đảng phái chính trị xưa nay nổi tiếng chống Cộng cũng bị Hoàng kim Loan cài nội tuyến vào.
Ngay khi tiếng súng Cách Mạng 1-11-1963 vừa dứt tại Huế, theo lệnh Hà Nội, mục tiêu đầu tiên của Hoàng Kim Loan là đánh tan tành, đánh vỡ ra từng mảnh vụn các cơ quan Tình Báo Quốc Gia và giải thoát tất cả các cán bộ cao cấp của bọn chúng đã bị các cơ quan này bắt giữ.
Thừa Thiên- Huế trước 1963, các cơ quan An ninh, Tình báo hoạt động rất hữu hiệu. Hầu hết các tổ chức, cơ sở Việt Cộng đều bị khám phá và bị bắt giữ bởi Ty Công An Thừa Thiên. Trưởng Ty là Ông Lê Văn Dư, và Đoàn Đặc Nhiệm Công Tác Miền Trung, Trưởng Đoàn là Ông Dương Văn Hiếu. Thế nhưng, còn có một cơ quan tình báo tối mật của quốc gia đóng tại Huế mà hầu như ít ai biết được.
Ai đã từng ở Huế cũng đều biết vị trí của tòa Đại Biểu Chính Phủ nằm trên đường Lê Lợi, đối diện với trường Luật của Viện Đại Học Huế. Sát bên bờ sông Hương cạnh Tòa Đại Biểu. Mặt sau của Bộ Chỉ Huy Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn có một ngôi biệt thự màu hồng, trang nhã, trầm lặng, mặt tiền nhìn ra dòng sông Hương, một dàn hoa vông vang vàng như nghệ phủ kín bờ tường, đường vào cổng chính của ngôi biệt thự cứ mỗi độ hè về hai hàng phượng vĩ bên vệ đường nở đỏ phủ đầy lối đi. Thoạt nhìn cứ ngỡ ngôi biệt thự màu hồng nầy là của một giai nhân quí phái nào đó ở đất Thần kinh. Nào có ai ngờ rằng ngôi biệt thự màu hồng thơ mộng này chính là Bộ Chỉ Huy một Cơ Quan Tình Báo Tối Mật của Quốc Gia, chỉ huy và điều khiển những Điệp Vụ ngoài Bắc. Những điệp viên của cơ quan nầy tung ra miền Bắc với nhiệm vụ phá rối Chính Trị, tổ chức và phát động những phong trào nhân dân nổi dậy chống đối chính quyền Hà Nội.
Đạo diễn chính vụ nhân dân Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An nổi dậy chống chính quyền Miền Bắc vào năm 1956 là một thí dụ điển hình công tác và nhiệm vụ của cơ quan này. Vào năm 1955, tại làng Phú Cam, trong khu vườn rộng nhà ông Nguyễn Văn Đông Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn văn Đông đã cất một ngôi nhà tranh cho một người bạn thân trú ngụ. Người nầy thoạt nhìn khuôn mặt khó đoán được tuổi tác là bao nhiêu 30, 35, 40 tuổi? Nhỏ người, dáng dấp thư sinh, nhưng nét mặt rất thông minh, nói giọng khó nghe, xuất phát từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Ít ai biết được chàng thư sinh nầy đi giờ nào và về giờ nào, nếu có tình cờ thấy anh ta đang đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi làm thì cũng nghỉ rằng anh ta chỉ là một thầy giáo hay là một công chức nghèo. Chàng thư sinh này chính là ông Phan Quang Đông người chỉ huy một cơ quan Tình Báo Tối Mật của Quốc Gia với những Điệp Vụ phía bắc vĩ tuyến 17. Ông ta là chủ nhân của ngôi biệt thư màu hồng, một nhân vật thượng đẳng, một Bông Hồng hiếm quí của Tình Báo miền Nam.
Tại Huế một vài ngày sau khi cuộc Cách Mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, theo lệnh của của Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, hằng chục ngàn Phật Giáo đồ ồ ạt xuống đường biểu tình hoan hô, đả đảo, truy bắt Cần Lao, truy bắt Công An, Mật Vụ Nhu Diệm. Cấp chỉ huy các đơn vị tình báo của Ty Công An Thừa Thiên Huế và Đoàn Đặc Nhiệm công tác miền Trung kẻ bị bắt tống giam vào lao Thừa Phủ, kẻ bị sa thải, kẻ thì bỏ trốn. Chỉ huy Trưởng Cơ Quan Điệp Báo hoạt động tại miền bắc là Phan Quang Đông cũng cùng chung số phận.
Tướng Đỗ Cao Trí là Tư Lệnh lực lượng đảo chánh tại Huế đã phái một đơn vị nhỏ cùng với một sĩ quan bao vây căn nhà màu hồng bắt ông Phan Quang Đông. Ông Phan Quang Đông nói với viên Sĩ Quan:
- Tôi phải gặp Tướng Đỗ Cao Trí trước khi nạp mình cho các anh.
Yêu cầu của ông Đông đã được Tướng Đỗ Cao Trí chấp thuận. Buổi gặp mặt chỉ có 3 người. Tướng Đỗ Cao Trí, ông Phan Quang Đông và chánh văn phòng của ông Đông. Ông Đông nói rất ngắn, gọn với Tướng Đỗ Cao Trí:
- Chúng tôi hoạt động ngoài Bắc. Không dính dấp gì đến chuyện trong Nam. Một số nhân viên của tôi hiện đang hoạt động ngoài đó Thiếu tướng lo cho họ.
Không một hồ sơ, tài liệu, danh sách nhân viên và máy nóc truyền tin liên lạc ngoài Bắc được ông Phan Quang Đông chuyển giao lại cho Tướng Trí. Tất cả đã biến mất nhiều giờ trước khi căn nhà màu hồng nầy bị bao vây. Đây là quyết định và hành động của ông Đông để bảo mật và bảo vệ sinh mạng cho nhân viên, những Điệp viên đang hoạt động và đang kẹt lại tại miền Bắc.
Các cuộc biểu tình hoan hô Cách Mạng, đã đảo Nhu, Diệm, Cần Lao, Công An, Mật Vụ vẫn tiếp tục tại Huế. Một nguồn tin được tung ra: Một số quí Thầy bị Mật Vụ Nhu, Diệm bắt hiện đang giam tại Chín Hầm.
Trước 1963, ít ai nghe và cũng chẳng ai biết địa danh Chín Hầm. Chín Hầm nằm về phía Tây thành phố Huế, ngay phía sau lăng Vua Khải Định và cạnh dòng tu Thiên An. Đó là một dãy 9 hầm của quân đội Nhật, rồi đến quân đội Pháp dùng để chứa đạn, đúng nghĩa đó là 9 hầm chứa đạn, kho đạn. Sau khi nguồn tin được tung ra là các Thầy bị giam tại Chín Hầm, đã có người hướng dẫn, hằng ngàn thiện nam, tín nữ, Sinh Viên, Học Sinh, các bà tiểu thương chợ Đông Ba ào ạt kéo lên Chín Hầm giải thoát cho Quí Thầy.
Màn kịch diễn ra tại Chín Hầm thật thương tâm, khiến người thiệt thà ngây thơ đứng xem phải rơi lệ. Soạn giả và diễn viên của vở kịch nầy quá xuất sắc. Quí Thầy được các tín đồ đưa từ các hầm giam ra ngoài, có thầy quá đuối sức đi không nổi phải có người dìu đi. Quí thầy đều mặc áo nâu sồng, đầu cạo láng bóng. Tín đồ nhào vào nhất là các bà tiểu thương Phật Tử chợ Đông Ba ôm chầm Quí Thầy khóc lóc thảm thiết. Nào ai biết được, tất cả là đồ giả, Quí Thầy là đồ giả. Bọn chúng là đám Việt Cộng thứ thiệt, thứ cao cấp bị bắt giữ.
Trước đó một vài hôm, cơ sở của bọn chúng đã đem áo nâu sồng vào cho bọn chúng mặc, cạo đầu láng bóng, ngồi đợi để được giải thoát. Mà Quí Thầy được giải thoát thật. Nhưng sau khi được giải thoát, Quý Thầy không về chùa mà lại lên núi tu hành tại các mật khu để rồi Mậu Thân 1968 tu hành đắc đạo xuống núi bắn giết đồng bào Huế. Ra lệnh chôn sống gần 5000 ngàn thường dân trong những mồ chôn tập thể, trong số 5000 ngàn nạn nhân đó số lượng phật giáo đồ chân chính không phải là nhỏ, rồi đến 1975 bọn này lại bắt bớ tù đày biết bao nhiều người dân Huế.
Màn bi kịch Chín Hầm vừa nói trên đạo diễn là Thích Đôn Hậu, ThíchTrí Quang, Thích Chánh Trực. Diễn viên là Hoàng Kim Loan và các cơ sở của hắn đã cài vào trong hàng ngũ Phật Giáo. Bọn chúng đã hoàn tất nhiệm vụ mà Hà Nội giao phó: Giải Thoát tất cả các cán bộ Cộng Sản cao cấp bị lực lượng An ninh của Chính Phủ Việt Nam Coông Hòa bắt giữ .
Những ngày kế tiếp, dưới áp lực của Quí Thầy, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho thành lập Tòa Án Quân sự tại Huế đem Ông Phan Quang Đông ra xử. Với tội danh: Mật Vụ Nhu, Diệm. đàn áp Phật Giáo, thủ tiêu, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo Quí Thầy và tín đồ Phật Giáo. Với tội danh bị vu cáo này, toà tuyên án tử hình Phan Quang Đông. Và Ông đã bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Vận Động Bảo Long tại Huế. Đồng ý khi bước chân vào nghề Tình báo, nghề của một Điệp Viên, sinh nghề tử nghiệp đó là chuyện thường tình khi bị sa vào tay địch. Nhưng đau đớn và nghiệt ngã là địch đã dùng những người Quốc Gia, dùng súng của những người cùng chiến tuyến chống Cộng Sản, bắn những phát đạn vào thân thể ông. Nỗi oan khiên ngút tận trời xanh, chỉ có Ông biết, chiến hữu của Ông biết, trời biết, đất biết, hồn thiêng sông núi biết và..Tổ Quốc Ghi Công. Những người ngồi xử ông Phan Quang Đông, từ Chánh Án, Chánh Thẩm, Công Tố là những Sĩ Quan, là những viên chức cao cấp hành chánh của Chính Phủ miền Nam Việt Nam. Giờ này họ còn hay đã mất, tại quê nhà hay hải ngoại, có ai hối hận không, khi đem Ông Phan Quang Đông một cấp Chỉ huy thượng đẳng của cơ quan Điệp Báo miền Nam hoạt động ngoài Bắc ra xử bắn. Các ông đã quá hèn hạ sợ mất lon, mất chức, bán rẻ lòng lương thiện tối thiểu, cúi đầu theo lệnh những tên Việt Cộng nằm vùng trong Phật Giáo như Đôn Hậu, Trí Quang và sau lưng là Hoàng Kim Loan, là Cục 2 Quân Báo và Nha Liên Lạc tức Cục Tình Báo Chiến Lược của Hà Nội.
Sau ngày 1-11-1963, hệ thống tình báo hữu hiệu của miền Nam đối đầu với 2 cơ quan Cục Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Hà Nội hoàn toàn bị sụp đổ. Cơ quan Tình Báo phụ trách miền Bắc của ông Phan Quang Đông và Đoàn các Công Tác Đặc Biệt phụ trách an ninh miền Nam của Ông Dương Văn Hiếu bị địch dùng bàn tay người quốc gia: Hội Đồng Cách Mạng đánh phá tan tành, kẻ bị bắt tù đày, kẻ bị sa thải. Tất cả đều mang tội danh Mật Vụ của Nhu, Diệm đàn áp Phật Giáo..
Thử nhìn lại một vài thành quả công tác của hai cơ quan này, để thấy có phải họ là Mật Vụ đàn áp Phật Giáo hay không: Vụ nhân dân Quỳnh Lưu Tỉnh Nghệ An nổi dậy chống chính quyền miền Bắc năm 1956, kế hoạch và hành động đều do ông Phan Quang Đông và những Điệp viên ông gởi ra miền Bắc thực hiện. Còn nhiều những điệp vụ khác nữa, mà mãi đến nay tuy thời gian tính cũng đã quá lâu, nhưng vẫn không thể tiết lộ.
Những Chuyện Chưa Ai Nói
Biến Động Miền Trung
Liên Thành
Phần 2

. . . . .
Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung do Ông Dương Văn Hiếu Chỉ huy. Trách nhiệm của cơ quan này là đối đầu và vô hiệu hóa mọi hoạt động của những Điệp viên thuộc hai cơ quan tình báo miền Bắc gởi vào Nam: Đó là Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lược tức Nha Liên Lạc.
Tổ chức Điệp Báo của Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lươc của Cộng Sản rất tinh vi, phương pháp hành động của chúng là: Đơn Tuyến, Chia cách, và Bảo Mật tối đa. Chỉ Huy Trưởng Cục 2 Quân Báo tại Hà Nội là Đại Tá Lê Trọng Nghĩa.
Tại Miền Nam, Bộ chỉ Huy Cục 2 Quân báo đóng tại vùng núi Cao nguyên Trung phần thuộc Tỉnh Pleiku và Đại Tá Lê Câu làm Chỉ Huy Trưởng. Trước 1954, Lê Câu với quân hàm Thiếu Tá, chỉ huy màng lưới Quân Báo các Tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đại Tá Lê Câu bị Đoàn Đặc Nhiệm miền Trung bắt vào năm 1961, khi y rời căn cứ về Sài Gòn, đến nhà Phạm Bá Lương để tiếp xúc và nhận tài liệu mật của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa do Phạm Bá Lương cung cấp. Phạm Bá Lương là cơ sở nội tuyến của Đại Tá Lê Câu. Phạm bá Lương làm tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa với chức Vụ Công Cán ủy Viên. Bộ trưởng Ngoại Giao thời đó là ông Vũ Văn Mẫu. Sau 1975 Lê Câu giữ chức Vụ Tổng Thanh Tra ngành Công An Việt Cộng.
Nhân vật kế tiếp bị Đoàn Đặc Nhiệm Miền Trung bắt là Trần Quang, Thường vụ Tỉnh Đảng Bộ Quảng Trị. Trần Quang được Đảng Bộ Liên Khu 5 bổ nhiệm làm trưởng lưới Điệp Báo từ Quảng Trị vào đến Phan Thiết và các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần. Nguyễn Vĩnh Nghiệp cán bộ đặc trách Khu ủy Sài Gòn Tư Hùng Cán Bộ Đặc Khu Sài Gòn. Toàn bộ là Đảng viên Cộng sản nằm trong Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu bị sa lưới Đoàn Đặc Nhiệm Công Tác Miền Trung. Tư Lung, Thường Vụ Liên Khu ủy Liên Khu 5 gồm các tỉnh Đảng Bộ từ Quảng Trị đến Phan Thiết và Cao Nguyên Trung Phần. Nhiệm vụ của Tư Lung là điều hành và chỉ đạo mọi sách lược của Đảng Cộng Sản đối với các tỉnh vừa nêu trên. Tư Lung bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm bắt ngay tại đường Cống Quỳnh Sài Gòn vào năm 1958.
Nguyễn Lâm, trưởng Ban Điệp báo Liên Khu 5, bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt vào cuối năm 1957 tại Saigòn.
Mục tiêu kế tiếp của Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung là Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng hay Nha Liên Lạc. Chỉ huy trưởng Tổng Cục Tình Báo Chiến lược Việt Cộng là Trần Hiệu. Người chỉ huy Cục Tình báo Chiến Lược Việt Cộng tại Miền Nam Việt Nam là Trần Quốc Hương tự Trần Ngọc Trí tức Mười Hương.
Mười Hương là Khu Uỷ Viên là Chính Ủy. Từ miền Bắc hắn vào miền Nam với nhiệm vụ kiểm tra và chỉ đạo mọi công tác của Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng tại miền Nam, đồng thời phân tích và lượng giá tình hình quân sự và chính trị của chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa để Trung Ương Đảng tại Hà Nội có kế hoạch đối phó. Mười Hương đã bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt tại Sài Gòn vào tháng 7 năm 1958.
Minh Vân tức Đại Tá Nguyễn Đình Quảng được Cục Tình Báo Chiến lược Việt Cộng Hà Nội tung vào miền Nam theo những người di cư vào năm 1954. Bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt vào năm 1958. Trần Tấn Chỉ, nguyên phó Trưởng Ban Tình báo thành phố Hải Phòng, cán bộ chuyên nghiệp trong ngành Tình Báo Chiến Lược. Theo lệnh của Tổng Cục Trưởng Trần Hiệu xâm nhập miền Nam hợp pháp bằng cách nhập vào đoàn dân di cư vào Nam 1954. Tại Sàigòn, y đã len lỏi vào làm việc tại cơ quan USIS của tòa Đại Sứ Mỹ. Trần Tấn Chỉ bị Đoàn Công Tác Miền Trung phát giác hành tung và bắt giữ vào năm 1958.
Đại Tá Văn Quang tức Trang Công Doanh, cán bộ nòng cốt của Cục Tình Báo Chiến lược. Đại Tá Quang theo đoàn người di cư vào Nam năm 1954. Y được Đặc Khu Saigon - Chợ Lớn Cộng Sản đưa vào làm việc tại cơ quan USOM của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Saigòn. Đại Tá Văn Quang bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt vào 1958.
Lê Thanh Đường, phái khiển Tình Báo. Thuộc Cục Tình Báo Chiến Lược theo đợt di cư 1954 vào Nam. Nghề Nghiệp hợp pháp tại Sàigòn: Nhân viên Tổng nha Công Chánh tại Sàigòn. Lê Thanh Đường bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt vào 1959.
Tôn Hoàng, phái khiển Tình Báo,Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản. Theo đợt di cư 1954 vào Nam,Tôn Hoàng bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt năm 1959.
Dư Văn Chất, phái khiển Tình Báo, Cục TBCL Cộng Sản, theo đợt di cư 1954 vào Saigòn, chức vụ Trưởng Lưới Tình Báo. Dư Văn Chất bị Đoàn CTĐNMT bắt vào năm 1958 tại Saigòn.
Sau 1975 Dư Văn Chất giữ chức vụ Ủy Viên Thành Ủy Đảng Bộ TP/HCM kiêm Trưởng Ban Tuyên Huấn Thành Ủy.
Nguyễn Văn Hội, Trưởng phòng Giao Thông Cục Tình Báo Chiến lược. Trước 1954 Nguyễn Văn Hội là Trưởng Ban Điệp Báo Của Liên Khu Ủy 5. Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Hội là tổ chức hệ thống giao thông, giao liên của Cục TBCL Việt Cộng tại Việt, Miên, Lào. Nguyễn Văn Hội bị Đoàn CTĐNMT bắt vào năm 1958.
Hoàng Hồ, phái khiển Tình Báo. Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản. Hoàng Hồ là Chủ Nhiệm Tuần Báo Trinh Thám tại Sàigòn. Hoàng Hồ bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt giữ. Sang Đệ Nhị Cộng Hòa y là Dân Biểu.
Vũ Ngọc Nhạ, Điệp Viên thuộc Cục TBCL Cộng Sản. Bị Đoàn CTĐBMT bắt lần 1 tại Sàigòn. Sau đó bị Đại Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Cảnh Sát Đặc Biệt Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và bộ phận Đặc Biệt của ông gồm những người cũ trong Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung của Ông Dương Văn Hiếu bắt lần thứ 2, và triệt tiêu Cụm A 22 TBCL khi y xâm nhập tiếp cận với Phủ Tổng Thống VNCH.
Trước đó, hầu hết những cán bộ Cộng Sản thuộc Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lươc Cộng Sản bị Đoàn CTĐBMT bắt giữ đều được đưa ra Huế giam giữ tại lao Thừa Phủ (Mặt sau tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và thị Xã Huế) hoặc Chín Hầm. Những ngày đầu của cuộc Cách Mạng 1-11-1963, Cục 2 Quân Báo,và Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản qua Thầy tu Thích Đôn Hậu, Trí Quang, và Phái Khiển Tình Báo, Điệp viên Hoàng Kim Loan đã giải thoát một số bọn chúng tại Chín Hầm.
Số còn lại cách đó không lâu, đã được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa vào SàiGòn, và Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng là Trung Tướng Dương Văn Minh, và Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát đã trân trọng trả tự do cho bọn Cộng Sản này vào đầu năm 1964. Để rồi bọn chúng tái hoạt động mạnh hơn, tinh vi hơn, tung hoành ngang dọc, tổ chức và gài người cùng khắp mọi đoàn thể chính trị, đảng phái, cơ quan dân sự hành chánh cũng như trong Quân Đội mà không một ai dám đụng đến bọn chúng kể cả các Tướng Lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đến các chỉ Huy trưởng mọi cơ quan Tình Báo Dân Sự cũng như Tình Báo Quân Đội, và ngay đến các vị tướng Tư Lệnh các Quân Khu, có gan to bằng trời cũng không dám đụng đến bọn cán bộ Cộng Sản thứ thiệt và đám Việt Cộng đội lốt Thầy Tu này, vì đụng đến bọn chúng là bị chụp mũ: Tàn dư chế độ Nhu, Diệm, dư Đảng Cần Lao, đàn áp Quí Thầy và Phật giáo đồ, lập tức bị biểu tình đả đảo và bay chức ngay.
Sau 1-11-1963, Thích Trí Quang là Đấng Quốc Phụ của miền Nam Việt Nam, không một Chính Phủ nào tại Trung Ương Sàigòn có thể đứng vững quá 3 tháng nếu đi lệch hướng chỉ đạo của ông ta. Tướng lãnh trong Hội Đồng Cách Mạng bắt đầu thanh toán nhau tranh dành Ngôi Báu. Tướng lãnh lợi dụng Trí Quang để có được hậu thuẫn quần chúng Phật giáo, Trí Quang dùng Tướng lãnh cho mưu đồ và tham vọng của hắn.
Các cuộc biểu tình lên đường, xuống đường chống chính phủ diễn ra hằng ngày tại Saigòn, nay đảo chánh mai chỉnh lý, cứ như vậy tiếp tục cho đến cuối năm 1965. Mỗi lần nghe nhạc hùng trên đài phát thanh Sàigon, Huế là biết ngay có đảo chánh.
Đặc biệt nhất là cuộc chỉnh lý của tướng Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Bảo Kiếm do bàn tay của Cục TBCL Cộng Sản đạo diễn.
Ngày19 tháng 2 năm 1965 tại Saigòn, Tướng Lâm Văn Phát đảo chánh, nhưng chủ soái của cuộc đảo chánh này là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo (Đại Tá Quân Lực VNCH, cựu Tỉnh Trưởng) và Nguyễn Bảo Kiếm. Nếu cuộc đảo chánh thành công thì Đại Tá Phạm Ngọc Thảo sẽ là Thủ Tướng, Nguyễn Bảo Kiếm sẽ là Tổng Trưởng Nội Vụ Chính Phủ Việt Nam Côïng Hòa. Cũng may, nhờ mấy anh Cố Vấn Mắt xanh mũi lõ ngăn trở ngầm, cuộc đảo chánh của Tướng Lâm văn Phát không thành công như Trung Ương Đảng Cộng Sản Hà Nội mong đợi, và sau đó 1967(?) Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị Lực lượng An Ninh bắn hạ tại Biên Hòa. Sau 1975, Phạm Ngọc Thảo được Trung Ương Đảng Coông Sản phong Liệt Sĩ, Nguyễn Bảo Kiếm cũng lộ nguyên hình, hai tên nầy là điệp viên của Tổng Cục 2 TBCL Cộng Sản.
Tại Huế trong thời gian này, tình hình cũng rối loạn không khác gì Saigòn. Hằng loạt các cuộc đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình chống chính phủ. Mọi sinh hoạt của dân chúng hoàn toàn bị tê liệt. Tình hình an ninh tại Thừa Thiên- Huế suy sụp trầm trọng. Lực lượng quân sự Việt Cộng bắt đầu mở những trận đánh thăm dò ngay vòng đai an ninh gần của thành phố.
Tháng 2-1965 Công Trường 5 Đặc Công của Đại tá Việt Cộng Thân Trọng Một, tung 2 tiểu đoàn đặc công K 1, K 2 tấn công quận lỵ Nam Hòa phía tây thành phố Huế. Quận lỵ Nam Hòa cách thành phố chưa đầy 10Km. Cuộc tấn công của Việt Cộng bị lực lượng quân sự tại Chi Khu Nam Hòa phản công và đẩy lui. Trong khi đó Chỉ huy hai cơ quan chịu trách nhiệm an ninh tại thành Phố Huế là Ty Công An Thừa Thiên và ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế là hai nhân vật được Trí Quang và Đôn Hậu đề cử.
Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế là Nguyễn văn Cán thường được gọi là Quận Cán vì đương sự có bằng Cử Nhân Luật ngạch Quận Trưởng(Commissioner), đương sự có anh ruột là cán bộ Cộng Sản quân hàm Đại Tá. Quận Cán là Cơ sở của Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng, cán bộ điều khiển của y là Hoàng Kim Loan. Trưởng Ty Công An tỉnh Thừa Thiên là Lê Văn Phú. Phú là em rể của Nguyễn văn Cư, đệ tử thân tín của Thích Đôn Hậu. (Sẽ đề cập đến Quận Cán tên điệp viên Côïng Sản này ở phần sau). Thời gian này hai ty Cảnh sát chưa sáp nhập, một bên là ty Công An Thừa Thiên, một bên là ty Cảnh Sát thị Xã Huế.
Đến tháng 6-1966, khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan làm Tư Lệnh Cảnh Sát, ông cho sát nhập 2 thành một, gọi là Bộ chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, để tiện điều hành và thống nhất chỉ huy. Về Quân Sự, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế gọi là Khu 11 Chiến thuật, dưới quyền của Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn I.
Ông đúng nghĩa là một ông Tướng của chiến trận không phải là một nhà chính trị, vì thế dễ dàng bị Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu xỏ mũi kéo đi. Chung quanh ông Tướng toàn là người của Trí Quang và Đôn Hậu cài vào. Nhất cử nhất động của ông Tướng đều được các cơ sở của hai tên nầy báo cáo đầy đủ lên Trung Tâm Quyền Lực Từ Đàm. Ông Tướng nghĩ rằng lợi dụng được Thích Trí Quang và Đôn Hậu thì có thể dùng lực lượng đông đảo Phật Giáo Đồ tại Huế và miền Trung, để áp lực với Chính Phủ Trung Ương cho quyền lợi và mưu đồ riêng của ông. Thế nhưng ông Tướng đã lầm, lầm to, lầm lớn. Ông chưa đủ mưu mô thủ đoạn khôn ngoan để lợi dụng Thích Trí Quang, Đôn Hậu và đằng sau là Hoàng Kim Loan, là Cục TBCL Cộng Sản. Ngược lại, bọn chúng cho ông vào tròng, lợi dụng ông và dùng Sư Đoàn I BB của Ông làm lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi loạn miền Trung năm 1966, để rồi phải gánh chịu hậu quả là ông bị rời khỏi quân đội, rời khỏi quê hương, lưu đày ở xứ Cờ Hoa từ 1966 cho đến nay.
Nhắc đến Trung tướng Nguyễn chánh Thi, ai cũng biết ông là chuyên viên, là vua đảo chánh. Ngày 11-11-1960 ông đảo chánh Tổng Thống Diệm, thất bại ông chạy sang Cao Miên. Ngày 1-11-1963 Tướng lãnh đảo chánh thành công ông từ Cao Miên về làm Tư Lệnh Sư Đoàn I BB, rồi Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I với cấp bậc Trung Tướng. Mỗi khi bất bình chính phủ Trung Ương ông lên máy bay vào Sài Gòn đảo chánh, vì thế ông Tướng mới có biệt danh là Vua đảo chánh.
Vụ khởi loạn tại miền Trung - Huế của Thích Trí Quang và Đôn Hậu quá dài giòng và mọi người đều biết, tôi chỉ nói những điểm chính mà thôi. Đầu tháng 6-1965, tình hình Chính trị tại Saigòn tạm ổn định. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra đời do Quân đội nhận lãnh trách nhiệm. Chủ Tịch là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó ngày 19-6-1965, Nội Các Chiến tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập. Thiếu Tướng KQ Nguyễn cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng). Nhìn vào thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Nội các Chiến tranh, hầu như không có người của Thích Trí Quang. Phản ứng đầu tiên của Trí Quang là gặp Đại Sứ Mỹ Tại Sàigòn tỏ ý muốn tổ chức đảo chánh lật Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Đại Sứ Mỹ hỏi Trí Quang: Nếu đảo chánh lật Thiếu Tướng Kỳ thì Thượng Tọa đưa ai thay thế, Trí Quang không trả lời được câu hỏi của Đại Sứ Mỹ, lẳng lặng ra về.
Thích Trí Quang từ Sàigon ra Huế, phát động cuộc dấy loạn miền Trung. Bộ Chỉ Huy đầu não cuộc tranh đấu Miền Trung của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Thích Trí Quang lãnh đạo đặt tại Chùa Từ Đàm. Mục đích của Trí Quang khi phát động cuộc tranh đấu Phật Giáo Miền Trung là lật đổ Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Chính Phủ Trung Ương do Quân Đội nắm giữ, qua đại diện là Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ, hầụ để nắm lại quyền chủ động kiểm soát và sắp đặt nhân sự từ Chính phủ Trung ương đến địa phương, mà y đã dần dần mất đi sau ngày 1-11-1963 và sau các cuộc chỉnh lý, đảo chánh của Tướng lãnh tại Sàigon. Hình ảnh một Trí Quang trong cuộc Cách Mạng 1963 đối với các Tướng Lãnh trẻ và quần chúng miền Nam đã mờ nhạt và như vậy Ngôi Quốc Phụ của y khó đứng vững.
Yêu sách đầu tiên của Trí Quang là yêu cầu Chính Phủ soạn thảo Hiến Pháp mới, tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Pháp và đả đảo Thiệu Kỳ, đả đảo chế độ Quân Phiệt, đả đảo dư Đảng Cần Lao. Từ cuối tháng 2-1966, Miền Trung và Thừa Thiên-Huế bắt đầu dậy sóng. Theo lệnh của Trí Quang và Thích Đôn Hậu, quần chúng Phật Giáo đồ Ấn Quang Miền Vạn Hạnh chuẩn bị xuống đường ào ạt. Đầu tháng 3-1966, cuộc dấy loạn bắt đầu. Các Khuôn Hội Phật Giáo từ Xã, Quận, Tỉnh, Học Sinh, Sinh Viên Đại Học Huế bãi Khóa. Tiểu thương Chợ Đông Ba và Thành Phố Huế đình công bãi thị, chợ không đông, phố xá đóng cửa. Mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng hoàn toàn bị tê liệt. Hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố, từ đường Lê Lợi, qua cầu Tràng Tiền, khu phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu. Khẩu hiệu đả đảo Thiệu, Kỳ, đả đảo Quân Phiệt, đả đảo dư đảng Cần Lao được nghe suốt ngày đêm.
Màn thứ 2, kế tiếp Thích Trí Quang cho tổ chức các lực lượng xung kích: Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử, lẽ dĩ nhiên trong đó gồm cơ sở Học Sinh, Sinh Viên Cơ Sở Nội Thành Việt Cộng. Tất Cả Đoàn viên quyết tử đều mang băng đỏ, Cảnh sát Phật tử, Công Chức Phật Tử, Quân Nhân Phật Tử, Tiểu thương Phật Tử. Vẫn tiếp tục lên đường xuống đường hằng ngày, loa phóng thanh đặt mọi ngã đường trong thành phố rộn rã kêu gọi dân chúng xuống đường, đình công bãi thị, chống Thiệu Kỳ.
Màn thứ 3, kế tiếp: Bạo Động. Cướp Chính Quyền. Màn này có sự đạo điễn của Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản Hà Nội. Cán bộ Cục TBCL Cộng Sản Hoàng Kim Loan nhảy vào cuộc. Một nửa quân số của Sư Đoàn I BB, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân các quận, buông súng trở về thành phố tham gia cuộc nổi loạn chống Thiệu, Kỳ và chính Phủ Trung Ương. Nhóm Quân Nhân Phật Tử thành lập Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức.
Công Chức các ngành, Giáo chức mọi cấp nghỉ việc, nghỉ dạy, tham gia tranh đấu chống chính ph ủ. Thích Trí Quang cho lệnh chiếm Đài phát thanh Huế. Đài Phát Thanh Huế của Chính Phủ trở thành Đài Phát Thanh của Lực Lượng tranh đấu Phật Giáo miền Trung. Hằng giờ phát đi lời kêu gọi của Trí Quang và của Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Tranh Đấu tại Từ Đàm, xen kẽ chương trình là nhạc tranh đấu và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Dân Huế hằng giờ nghe rền rỉ bên tai bản nhạc: Kẻ thù ta đâu phải là người.. Giết người đi thì ta ở với ai...
Trong khi đó thì một phần của lực lượng Học Sinh, Sinh Viên quyết tử chiếm Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Thành Phố Huế.
Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên người của Thích Đôn Hậu, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế Nguyễn văn Cán là Cán Bộ Cộng Sản nằm vùng cơ sở của CụcTBCL Hoàng Kim Loan. Bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử này phá kho súng của 2 Ty Cảnh Sát, trang bị cho hàng ngàn đoàn viên Quyết Tử. Khoảng gần 4000 ngàn súng, gồm tiểu liên, Shotgun, và súng lục, 120 thùng lựu đạn M 26. Khoảng 100 xe Jeep Cảnh Sát và toàn bộ máy móc truyền tin bị bọn chúng lấy đi. Bọn chúng dùng xe, máy móc truyền tin, và súng của Cảnh Sát tuần tiểu và canh gác trong thành phố.
Thích Trí Quang và Hoàng Kim Loan đi xa hơn nữa là cho lệnh Đoàn HS,SV Quyết Tử bao vây Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, tại Đường Lý Thường Kiệt, Quận 3 thành phố Huế, và nhào vô đốt phá tan tành phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Huế.
Bây giờ thì Miền Trung và Thừa Thiên-Huế hoàn toàn vô Chính Phủ, không còn có luật pháp quốc gia. Mọi quyền hạn nằm trong tay Quốc Phụ Thích Trí Quang và đám tranh đấu áp dụng luật Rừng trong thành phố. Bọn chúng chia ra từng tổ, từng toán gõ cửa mỗi nhà, yêu cầu tham gia phong trào tranh đấu, gia đình nào lơ là hoặc từ chối, bị chúng phao vu là dư đảng Cần Lao, hoặc là người của Thiệu, Kỳ, lập tức bị dọa nạt đốt nhà đốt cửa, hoặc bị hành hung. Một số gia đình đã phải bỏ nhà, trốn vào làng Phú Cam nơi an toàn khu, vì nơi đây là khu Công Giáo, Trí Quang và đám Quyết Tử chưa dám đụng đến. Đời sống dân chúng mỗi ngày một khó khăn, dân chúng hoang mang lo sợ. Quân đội và Công Chức sống nhờ vào đồng lương của Chính Phủ, bây giờ đình công bãi thị, chống chính phủ thì lương hàng tháng có đâu để nuôi vợ, con. Một số ít đơn vị quân sự đang ở vị trí hành quân tác chiến cũng gặp trở ngại không nhỏ. Quân số thiếu hụt trầm trọng, vì một số lớn sĩ quan và binh sĩ bỏ đơn vị về thành phố tham gia tranh đấu. Đạn dược và điện trì truyền tin cho hệ thống hành quân tác chiến bị hạn chế tối đa vì không còn được cung cấp từ Trung Ương.
Tình hình an ninh tại Quảng Trị và Thừa Thiên ở mức báo động đỏ. Các Công trường 4,5,6 của Quân Khu Trị Thiên Việt Cộng lởn vởn ở vòng đai an ninh xa, phía Tây của thành Phố Huế. Trong lòng Cố Đô Huế thì đám cán bộ và cơ sở nội thành của Cộng Sản công khai hoạt động. Bọn chúng nằm trong bộ chỉ huy của lực Tranh Đấu, nắm giữ những vai trò then chốt và quan trọng, tỷ như: Nguyễn Đắc Xuân sinh viên Sư Phạm.
Trần Quang Long sinh viên Sư Phạm Hoàng Phủ Ngọc Phan sinh viên Y khoa Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân sinh viên Nguyễn Thiết tức Hoàng Dung sinh viên Luật Khoa Hoàng Phủ Ngọc Tường Giáo Sư Trường Quốc Học. Nguyễn Hữu Châu Phan sinh viên Hoàng Thị Thọ nữ sinh Đồng Khánh. Phạm thị Xuân Quế sinh viên Y Khoa. Tôn Thất Kỳ sinh viên. Bửu Chỉ sinh viên Và nhiều.. nhiều nữa.. (Khi cuộc dấy loạn miền Trung bị dẹp tan, Hoàng Kim Loan đưa đám nầy ra mật khu, và năm Mậu Thân 1968 bọn chúng trở lại Huế bắn giết, tàn sát vô số kể đồng bào vô tội)
Trí Quang và Cộng Sản đã ước tính sai khi tung ra cuộc dấy loạn Miền Trung năm 196 6. Vào năm 1963 Tướng Lãnh và Mỹ dùng Trí Quang và quần chúng Phật giáo để lật đổ Tống Thống Ngô Đình Diệm. Bây giờ là 1966, Trí Quang không còn có giá trị lợi dụng nữa. Đối với các Tướng Lãnh VNCH đang nắm quyền thì Trí Quang là một trở ngại, một chướng ngại vật trên bước đường công danh và sự nghiệp của họ, chướng ngại vật này phải được dẹp bỏ.
Còn đối với người Mỹ và đặc biệt là cơ quan tình báo của họ, phương tiện nào cũng tốt, miễn là đạt được mục đích, quốc gia hay cộng sản cũng vậy thôi. Họ dư biết Trí Quang là Cộng Sản, là đảng viên Cộng sản, và trong hàng ngũ của Trí Quang có quá nhiều cán bộ Cộng Sản nằm vùng. Nhưng vì nhu cầu, họ vẫn tạo hình tượng Thích Trí Quang cho hào quang bóng nhoáng. Sau 1963 hình tượng đó không còn cần thiết nữa mà còn tạo nhiều trở ngại, thì Trí Quang phải được dẹp bỏ.
Năm 1966 Mỹ đang đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Chính phủ Mỹ đang cần một hậu phương Miền Nam ổn định chính trị. Trí Quang và Côïng Sản đã quá lầm lẫn, nếu không nói là ngu, khi phát động Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung trong thời gian này. Dưới mắt ông Đại Sứ Mỹ tại Sài gòn bấy giờ thì Trí Quang là một kẻ gây rối, một kẻ tham, sân, si, say mê quyền lực và một trở ngại lớn của Tòa Đại Sứ Mỹ cho việc ổn định tình hình chính trị tại Saigòn. Trí Quang phải được dẹp bỏ lập tức, mạnh mẽ, không nương tay, không nhân nhượng.
Người Mỹ giúp mọi phương tiện cần thiết cho Chính Phủ Saigòn mở cuộc hành quân dẹp loạn tại MiềnTrung. Ngày 4-4-1966 bằng phương tiện Không Vận của Hoa Kỳ, lực lượng Quân Lực VNCH đổ quân xuống Đà Nẵng.
Tư lệnh Sư Đoàn I BB là Tướng Nguyễn văn Chuân, Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Tướng Chuân được cử thay thế Trung Tướng Thi, Trung Tướng Thi bay ra Huế. Như đã biết, Trung Tướng Thi là người của Trí Quang. Những ngày kế tiếp Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ra Đà Nẵng gặp Tướng Nguyễn văn Chuân, sau đó Tướng Chuân theo Trung Tướng Có vào Sàigòn. Sàigòn cử Trung Tướng Tôn Thất Đính ra Đà Nẵng thay thế Trung Tướng Thi, mọi chuyện không ổn, Trung Tướng Đính phải chạy vào BCH của Thủy Quân Lục Chiến của Mỹ xin tỵ nạn. Chính Phủ lại cử Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao ra thay Trung tướng Đính.
Thiếu tướng Huỳnh văn Cao là tín đồ Công Giáo. Khi từ Đà Nẵng đến Huế cùng với viên đại tá Cố Vấn phó Quân Đoàn là Arch Hamblen, Thiếu tướng Cao đã bị các Lực Lượng Tranh Đấu do đám Sinh Viên Hoc Sinh Quyết Tử cầm đầu biểu tình phản đối. Đoàn biểu tình hàng ngàn người bao vây, Tướng Cao và đoàn cận vệ khó khăn lắm mới chạy thoát vào sân bay Tây Lộc, thành nội. Tại đây một phi cơ trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đợi sẵn để đưa ông vào Đà Nẵng. Đoàn biểu tình rượt theo tướng Cao và đại tá Arch Hamblen vào tận sân bay Tây Lộc, Trực thăng chở tướng Cao và đại tá Arch Hamblem vừa rời khỏi mặt đất vài chục mét thì trong đoàn biểu tình, viên sĩ quan của Sư Đoàn I BB, trung úy Nguyễn Đại Thức rút súng lục bắn tướng Cao, may mắn ông không bị trúng đạn, lập tức xạ thủ đại liên của trực thăng, viên hạ sĩ quan người Mỹ, nổ súng đại liên bắn trả, trung úy Nguyễn Đại Thức chết gục tại chỗ. Những ngày sau khi Thích trí Quang thành lập Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử của Sư Đoàn I BB, cho lấy tên viên sĩ quan nầy đặt tên cho Chiến đoàn, gọi là Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức.
Cũng giống Trung tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Huỳnh văn Cao vào Đà Nẵng, nơi đặt BCH Quân Đoàn I. Thiếu tướng Cao liên lạc với tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và tỵ nạn tại đó .
Bây giờ thì miền Trung và Thừa Thiên Huế hoàn toàn vô Chính Phủ, mặc sức Thích Trí Quang và đám Cộng Sản Hoàng Kim Loan tung hoành. Dân chúng sống từng giờ trong nơm nớp lo sợ: sợ Thầy, sợ Việt Cộng, sợ các Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử của Thầy. Công chức, quân nhân sợ không được lãnh lương, vợ con đói.
Vị Tướng kế tiếp được Chính Phủ cử ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I là Thiếu Tướng Trần Thanh Phong. Thiếu Tướng Phong đến Đà Nẵng đúng vào thời gian cao điểm của phong trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung. Ông chuẩn bị cho cuộc đổ quân ra Huế dẹp loạn. Trong khi đó thì tại Huế lực lượng chống lại phong trào tranh đấu được phân loại như sau:
1- Thành phần chống đối tiêu cực:
Khối Công giáo: Đại đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo sống tại làng Phú Cam nơi có nhà thờ Chính Tòa Phú Cam, vùng dòng Chúa Cứu Thế, nơi có nhà thờ và dòng tu, dòng Chúa Cứu Thế, vùng Gia Hội có nhà thờ Gia Hội, vùng Kim Long nơi có Dòng Tu kín của các Nữ tu. Họ chống lại Phong trào Tranh Đấu nhưng tiêu cực, các vị lãnh đạo không muốn giáo dân vướng vào vòng xung đột của hai tôn giáo là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Khu an toàn Phú Cam được giáo dân canh gác, đề phòng cẩn mật vì sợ các đoàn Quyết Tử của Phong Trào Tranh Đấu quấy phá. Họ sẵn sàng chống trả chỉ trong trường hợp tự vệ. Đại đa số trầm lặng là giáo chức, thành phần trí thức, những người lớn tuổi, và Hoàng Tộc, họ đều bất bình và chống lại cuộc Tranh Đấu Miền Trung nhưng họ chỉ giữ thái độ im lặng và không hợp tác.